Vị anh hùng của con là ba và mẹ, dũng cảm buông tay ra để con tự bước đi trên chính đôi chân của mình.
Vị anh hùng của con là ba, biết hát ru thật hay thay cho mẹ tất bật cả ngày với công việc. Ngày thơ con chìm vào giấc ngủ trong những lời hát ấm áp: “Nắng chia nửa bãi chiều rồi…” hay “Chiều buồn con nhện giăng tơ…”, những điệu nhạc đến bây giờ nghe lại con vẫn thấy xao xuyến đến lạ.Ba biết kể chuyện thật hay cho hai chị em con nghe ngày ấu thơ. Những câu chuyện hai đứa đã thuộc nằm lòng nhưng vẫn háo hức đòi nghe kể lại. Là ba biết chịu nóng thật giỏi mỗi buổi trưa hè bị hai chị em con nằm hai bên ôm chặt cứng và cứ thế ngủ say.
Ba kiên nhẫn chỉnh cho con từng nét chữ hằng ngày để rồi tự hào khi con luôn được cô giáo khen là người viết chữ đẹp nhất, bởi đó là công sức miệt mài của cả ba và con. Là ba –động viên con sau kỳ thi tốt nghiệp cấp một không được như ý. Là ba kiên trì tìm cách giảng giải cho con hiểu từng bài Toán khi con ôn thi vào trường chuyên Quốc học. Rồi khi có kết quả, chính ba là người đầu tiên gọi điện thông báo tin mừng cho con.
Vị anh hùng của con là mẹ, dạy con từ những điều nhỏ nhặt nhất như lúc ăn không được bỏ mứa, ăn xong chén phải sạch… Những điều tưởng chừng không quan trọng nhưng lại rất có ích khi con bước vào đời. Trong một đêm lũ lịch sử năm 1999, con nhớ hôm ấy mưa to lắm, sấm sét trắng xóa cả một vùng trời, lại cúp điện. Mong mãi mà mẹ chưa về, nước ngoài đường thì dâng mỗi lúc một cao. Lần đầu tiên trong ý nghĩ của một đứa trẻ như con cảm nhận được nỗi lo lắng và sợ hãi tột cùng. Thế rồi có điện thoại, con bắt máy. Giọng mẹ hổn hển bên kia đầu dây, kể rằng mẹ đã gần như buông xuôi theo dòng nước đen ngòm dữ dội. Lần đầu tiên con oà khóc không phải vì bị mắng hay bị đánh đòn. Nhưng rồi cơn lũ không giành được mẹ, vì mẹ là mẹ của con và vì mẹ là nữ anh hùng.
Mẹ tất bật từ sáng sớm đến tối mịt ở chợ để lo toan cho gia đình. Từ nhỏ, hai chị em con đã biết cuộc sống không phải lúc nào cũng có mẹ ở bên nhưng nhờ thế mà tụi con luôn tỏ ra chững chạc hơn so với bạn bè cùng tuổi. Là mẹ đã chứng tỏ rằng mình không đơn thuần là người phụ nữ của công việc khi nửa đùa nửa thật: “Khi mô có bạn trai thì nói để mẹ tư vấn cho”.
Vị anh hùng của con là ba và mẹ, dũng cảm buông tay ra để con tự bước đi trên chính đôi chân của mình. Là ba mẹ chỉ theo dõi con từ xa để con không ỷ lại, không dựa dẫm nhưng sẽ luôn có mặt ở bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào con cần. Con chính thức xa rời vòng tay của ba mẹ, để rồi 4 tháng sau, con trở về, vẫn là con nhưng đã khác, khác từ ngày con biết nói: “Con yêu ba mẹ” trong tiếng nấc. Câu nói mà suốt gần 20 năm nay con chưa bao giờ đủ dũng cảm để nói ra.
Ngày trở về… Một tháng con về nhà để biết thương ba làm 8 tiếng một ngày, tối về chợ giúp mẹ mà vẫn phải làm việc nhà, rửa chén, phơi áo quần, nấu cơm… những điều trước kia con vẫn biết nhưng (cố tình) không để ý. Rồi ngày về, giành phơi áo quần trước khi ba làm, nghe ba khen mà muốn khóc. Con có thể là đứa con giỏi nhưng chưa bao giờ thực sự là đứa con ngoan, phải không ba?
Một tháng con về nhà, hăng hái vào bếp phụ mẹ nấu nướng, rửa chén sau khi ăn, những thứ mà con luôn có đủ lý do để trốn tránh, nào là “Con phải học! Con có nhiều bài tập lắm!”, nào là “Hôm nay con mệt!”… Đó là lần đầu tiên con thấy làm việc nhà cũng khiến mình vui đến thế.
Một tháng con về nhà, cái Tết đầu tiên lăng xăng soạn đồ, cắm hoa, cúng Tất niên, hớn hở kêu em xuống để cả nhà mình cùng chuẩn bị. Trong một khoảnh khắc con khựng lại khi nhận ra tất cả các năm trước đây ba đều tự làm mọi việc, một mình…
Một tháng con về nhà rồi con lại đi, vẫn sẽ là ba làm tất cả việc nhà. Đến ngày em đủ lớn, sẽ thôi ương bướng cãi lời, sẽ biết giúp ba mẹ đỡ vất vả, sẽ biết nghĩ nhiều hơn.
Trả lời