Tôi nhớ lại một buổi học mà lần đầu tiên tôi nghĩ tới con số này. Đó là khi tôi vừa chân ướt chân ráo vào lớp 10 ở trường mới và thầy giáo dạy môn Toán (đúng là môn Toán chứ không phải môn Văn) bảo cả lớp:
– Các em hãy viết một bài luận với chủ đề “Số 0”.
Số 0! Tôi biết nói gì về khái niệm này? Với cả từ điển, sách Bách khoa Toàn thư của bố và những cuốn sách giáo khoa môn Toán dày cộp, tôi cũng mấy đứa bạn trong lớp đánh vật với con số 0.
“Số 0 nghĩa là chẳng có gì, là chẳng đáng nói đến, là không có giá trị. Nhưng có thứ gì gọi là “không” hay không?” – Một cô bạn học chuyên Văn 4 năm đã viết như thế. Còn một cậu bạn giỏi Toán thì mở đầu bài luận: “Khi chia một số nguyên nhỏ hơn cho một số nguyên lớn hơn, bạn sẽ có kết quả rất gần với 0 nhưng không bao giờ là 0. Số 0 là không tồn tại”.
Còn đối với một số khác, trong đó có tôi, thì số kinh nghiệm về kiểu bài luận như thế này là “zero”. Chúng tôi viết đủ thứ mình có thể chợt nghĩ ra về số 0, rồi nộp bài và chờ thầy giáo dạy Toán chấm điểm. Chúng tôi đã đợi hàng tuần. Một tháng trôi qua mà chúng tôi vẫn không được trả bài. Đến cuối cùng, thầy giáo nói là thầy không hề chấm điểm những bài luận đó! Thầy nói nếu chấm, thầy sẽ cho chúng tôi số điểm tối thiểu (tức là 0?) vì chúng tôi đã làm quá tệ.
Và thầy dạy chúng tôi một bài học. Thầy hỏi tại sao số 0 lại có nghĩa là không tồn tại, là không giá trị? Khi mà 0 độ C tức là khi nước bắt đầu đóng băng? 0 độ F là đã lạnh hơn nhiều? Nhưng 0 có phải là điểm thấp nhất, như từ điển định nghĩa không? Nếu nhìn một cái cân, lúc thăng bằng và không bị tác động thì nó cũng chỉ số 0 – và từ số đó, mọi sự đo đạc, cân nhắc mới bắt đầu.
Ai trong số chúng ta cũng từng đối diện với những điểm mà chúng ta cảm thấy là thấp nhất, tệ nhất trong cuộc sống, và cảm thấy như một con số 0: những lúc phải chia tay với một người mà bạn thương yêu rất nhiều, khi bạn ốm và không còn đủ sức khoẻ để làm gì cả, khi thất bại, khi thi trượt, thậm chí kể cả khi trượt chân bị ngã trước mặt một “người đặc biệt” nào đó… Bạn sẽ thật sự cảm thấy mình là một số 0.
Chính từ điểm số 0 đó, các suy nghĩ, cân nhắc, các quyết định lại mở ra. Có thể bắt đầu lại từ đầu. Hoặc có thể hướng tới một mục tiêu cao hơn, khác hơn.
Số 0 có thể là điểm thấp nhất, nhưng nó không phải là vô nghĩa, không phải là “không-gì-cả”. Số 0 là nơi mọi thứ bắt đầu.
Trả lời