“Anh tôi thuộc thế hệ 91, và tôi biết những lần SGK thay đổi liên tục, vậy là bố mẹ lại thở dài và nói “ thế là năm nay phải mua sách mới cho nó rồi”, còn tôi và anh tôi thì hân hoan vì có sách mới mà dùng. Nhưng có lẽ chỉ với anh tôi thôi, 12 năm đi học, tôi luôn dùng lại bộ sách của anh mình. Nếu 91 là những con chuột bạch được lôi ra làm thí nghiệm, thì 93 chúng tôi, có thể là những con khỉ, con cừu mà khi người ta đã thí nghiệm với chuột xong, người ta cần một con gì đó “ cao cấp” hơn. Tôi vẫn còn nhớ những quyển sách giáo khoa tiếng việt cấp 1, năm quyển với những hình bìa sặc sỡ, mà giờ chỉ mang máng trong đầu. Tôi vẫn nhớ câu chuyện rùa và thỏ trong sách đạo đức, sách sức khỏe với những bài viết về vệ sinh răng miệng.. Thế hệ 93 chúng tôi, vẫn còn nhớ những bìa bọc sách bằng những tờ báo, nhưng cũng quen với những túi bóng kính gọn nhẹ,trong suốt khi cuộc sống trở nên quá bận rộn. Bố tôi vẫn ngồi tỉ mỉ bọc cho tôi những quyển sách,tôi thường chọn những chọn những quyển lịch dày dặn, với tranh phong cảnh để đưa bố bọc. Có lẽ , đó là cách để quên đi những cái sờn gáy, rách trang, vây mực mà anh trai tôi đã để lại trong quyển sách kia.
Sinh năm 93, tôi cũng biết nhạc Trịnh Công Sơn, cũng biết nhạc cách mạng, nhạc tiền chiến chứ. Tôi cũng thuộc được vài bài của Phi Nhung, của Khánh Ly, Hương Lan..những ca sĩ xa xôi mà tôi chưa thấy mặt. Sinh năm 93, tôi cũng thấm được Mẹ ru con, cũng biết thế nào là Quan Họ Bắc Ninh, là những đêm đèn sân khấu nhấp nháy xanh đỏ giữa sân đình, với tiếng trống chèo rục rã. Bọn tôi không xem mấy đâu, nhưng bọn tôi vẫn ra đấy, để gặp nhau, để chạy lòng vòng sau cánh gà xem họ “ vẽ mặt mũi”, để nghịch mấy bộ râu, sờ những bộ quần áo mà chúng tôi chưa biết tới. Sinh năm 93, tôi thuộc lòng hạt gạo làng ta, đưa cơm cho mẹ đi cày,em đi giữa biển vàng..và rất nhiều những bài hát thiếu nhi khác. Sinh năm 93, tôi biết Britney Spears là ai, biết Westlife, đắm chìm với MLTR. Sinh năm 93, tôi cũng một thời cuồng nhiệt với Bức Tường, với Mắt Ngọc, với Mây Trắng.. Và, tôi cũng đủ biết làn sóng Hallu là gì, mặc dù với tôi, nó không mấy ấn tượng. Tôi đi qua 20 năm với bao biến đổi về thị hiếu âm nhạc, và có đôi lúc, tôi vẫn ngồi lại nghe những bản “new age” mà cũng không hề quan tâm, 93 tôi có mấy ai nghe..
Giữa nơi chuyển tiếp của nông thôn và thành thị, từ căn nhà cấp 4 trong xóm của tôi, tôi vẫn thấy những tòa nhà cao mọc lên nơi thành phố, và tôi vẫn thấy những cánh đồng chín vàng cuối bờ đê. Ở nông thôn, có lẽ với các thế hệ sau,đó cũng là điều bình thường. Nhưng với chúng tôi,ở cái thởi điểm đô thị hóa lấn át dần ra ngoại thành, với 95,96,97 và chắc chắn với thế hệ Y, các em sẽ chẳng bao giờ có thể trưa nắng chạy ngoài đồng, tìm mấy quả rau muống đắng đắng bỏ vào miệng, lục lọi trong các hàng rào để mút những cuống hoa dâm bụt, mà ngày đó chúng tôi cho vị của nó ngọt như nước đường. Chúng tôi không trải qua một cuộc sống nông thôn sâu sắc, như các anh chị 91,90, nhưng chúng tôi biết cái cảm giác vừa đủ, biết cái thời khắc sự chuyển mình của cuộc sống ven đô. 93 chúng tôi không xa lạ gì với giếng nước, gốc đa, sân đình, với những đêm trăng lũ trẻ rủ nhau ngồi kể chuyện ma, rồi chỉ chờ một đứa nào hét lên rồi chạy về nhà khóc sướt mướt với bố mẹ.
“ Mẹ ơi, thằng này nó dọa con”
“ bố ơi, anh không cho con chơi cùng”…
Tôi đi qua thế hệ X, thế hệ Y và nhớ những kỉ niệm tuyệt đẹp của một thời đi học. Ngày xưa, chúng tôi được học hát, học vẽ, học thủ công..nhiều hơn học toán. Lũ chúng tôi làm đèn lồng, gấp chim hạc, vẽ tranh..giỏi hơn viết văn. Cổng trường chúng tôi là sữa chua đá 500 một túi 2 đứa mút 2 đầu, là ô mai dây, là mì tôm trẻ em, là mấy miếng thịt bò khô mà cả lũ xuýt xoa, là những túi xanh đỏ tím vàng gì mà tôi không biết. Tôi sinh năm 93, tôi biết cái trường làng giữa xóm, mà ra chơi lại chạy về nhà cất sách vở. Và tôi cũng biết cả cái trường mới khang trang hơn, nhưng vẫn um tùm các bụi cỏ, đủ chỗ cho chúng tôi đánh nhau ( theo một nghĩa tích cực), đủ chỗ để đá bóng,nhảy ngựa, cướp cờ..
Những trưa vắng, bố mẹ ngủ trưa, chúng tôi lại trốn bố mẹ, đi mua truyện, đi chơi game. Hồi đó, làm gì có nhiều tiền mà mua truyện mới, kể cả nó chỉ có 3000. Tôi vãn nhớ những dãy truyện 500, 1000 1 quyển truyện cũ. Dễ chừng đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ mặt các cô ý. Chúng tôi kì kèo bữa sáng, xin bố mẹ 1000 thì giữ lại 500, đủ cho chúng tôi được nửa tiếng điện tử. Hôm nào mẹ cho 2000 thì thể nào cũng rủ thằng hàng xóm đi chơi cùng. Tôi biết bảy viên ngọc rồng, tôi biết thần đồng đất việt từ cái thời nó mới ra tập 1, mà giờ hình như nó vẫn xuất bản một cách chậm chạp không tả nổi. 1993, cũng phát cuồng với những quyển truyện tranh, cũng lén lút cất những quyển truyện trong tủ thật sau để bố mẹ không biết, cũng mua một đống pokemon nhựa về, bài magic và chơi như thể những con quái vật sẽ hiện lên thật.
Ipad, Iphone.. có vẻ như là cái gì đó quá xa lạ với lứa chúng tôi những năm cấp 3, và với tôi, bây giờ, nó vẫn là 1 thứ xa xỉ. Hết lớp 11, tôi mới biết điện thoại di động là gì. Ngần đấy năm, chúng tôi ôm cái máy bàn gọi điện cho nhau, rồi cuối tháng lại lén lút khi mẹ dò xem số này là của ai gọi mà tốn nhiều như vậy. Tôi không muốn là thế hệ đón đầu công nghệ, nhưng cũng không phải là những cái chúng tôi chỉ có thể thấy trong mơ. Ở lưng chừng thời gian, chúng tôi biết trân trọng một cái điện thoại đen trắng, đã cũ màu và chằng chịt những vết xước, rạn.
Có lẽ, đứng trên cái nhìn của một đứa được sinh ra nơi nông thôn và thành thị chuyển tiếp,tôi có nhiều sự may mắn hơn nhiều bạn cùng tuổi,và mọi thứ khi đem ra làm 1 cái gì điển hình đều là không ổn. Nhưng, cuộc sống của tôi, của bạn bè tôi là như vậy,tôi chỉ có thời gian để nghĩ cho những điều gần gũi xung quanh mình.
Chục năm về trước, tôi vẫn còn là một đứa trẻ.
Giờ đây, tôi biết mình là một 9x đời đầu, nghe chừng là một điều gì đó trưởng thành.
1993, chúng tôi biết mình cũng đã không bỏ phí những điều mà các thế hệ anh chị 9x đời đầu đã trải nghiệm.
Chúng tôi không chông chênh giữa 2 thế giới khi mà bước chân kia đã gần chạm sang bên kia, nhưng cuộc sống của chúng tôi, tâm hồn của chúng tôi, vẫn được bờ bên kia níu kéo.
Mẹ tôi và các bác hay nói “ cái tuổi dở dở ương ương bọn này, khó chiều, cũng chẳng hợp với bố mẹ”. Nhưng bố mẹ ạ, bọn con vui vì cái tuổi dở dở ương ương, nó không tới khi chúng con 14,15,16.. Chúng con đã được đi qua cái tuổi hồn nhiên ấy một cách trọn vẹn. Hãy chấp nhận tuổi 19,20 của bọn con như một điều may mắn vì bọn con đã trải nghiệm được những điều tuyệt vời mà không phải thế hệ nào cũng có.
Cuộc sống vẫn còn là một cái gì đó rộng lớn trước mặt. 93 chúng tôi, có người đang học năm 2,năm nhất, và cũng có người vẫn chông chênh sau cánh cửa trung học phổ thông. Nhưng mọi thứ vẫn còn mới mẻ, ít nhất, chúng tôi đã có quãng đường đời đầu tiên thật tuyệt vời.”
Trả lời