Một giáo sư đang giảng về “tiểu thuyết” ở một lớp học của các nhà văn trẻ, giáo sư bỗng dừng lại hỏi các học viên:
– Ngược lại với yêu là gì?
– Ghét ạ!
Giáo sư đi đi, lại lại, trầm ngâm, ông bỏ giáo trình xuống bàn và nói:
– Thế này nhé: Ví như anh đang yêu, sau đó chia tay! 50 năm sau anh 70 tuổi, tình cờ gặp lại người cũ trong một chiều đi dạo. Lúc đó bà nọ chằm chằm nhìn anh và nói: “Ông A ơi tôi ghét ông!”. Nếu tình tiết xảy ra đúng như vậy, anh phải mừng cho bản thân mình!
– Vì sao?
– Vì anh là người may mắn mới có người ghét anh hàng nửa thế kỷ.
– May mắn quái gì, phi lý!
– Bình tĩnh, bình tĩnh, anh nghĩ kỹ xem, ghét cũng cuốn hút tình cảm như yêu như thương, tức là tình cảm của ai đó vẫn nghĩ về anh. Có người ghét anh 50 năm, tức là vẫn nghĩ về anh 50 năm, thật là hiếm có đấy! Anh may mắn không nào? Điều đáng sợ là khi anh gặp lại người cũ, anh hỏi: “Bà B ơi có nhớ tôi không?”. Người nọ đứng đực ra nhìn anh và nói: “Thưa ông, tôi nom ông hơi quen quen, ông là ai?”.
Cả lớp cười ồ lên, câu chuyện tưởng tượng này quả là thú vị pha thêm chút ngượng ngùng…
Giáo sư khẳng định: “Ngược lại với yêu đâu phải là ghét!”.
Cả lớp nhất trí với giáo sư: “Ngược lại với yêu là lãng quên!”.
Tôi khá tâm đắc điều giáo sư muốn truyền tải đến sinh viên và tôi lại ngẫm, làm thế nào để lãng quên sau khi yêu, làm sao để không phải lãng quên mà không phải ghét, làm sao để ghét mà không phải lãng quên? Để hiểu và làm được việc lãng quên không đơn giản như việc bạn vứt bỏ một tờ giấy. Và câu chuyện này làm mình nhớ tới một sự việc của bản thân mình nhiều năm trước:
Tình đầu bao giờ cũng thật đẹp, cũng thật nhiều kỷ niệm…có những cái tưởng như không có gì có thể chia lìa hai đứa, có những cái tưởng như hai đứa sẽ không bao giờ chia xa, sẽ cùng nhau nắm tay đi hết con đường còn lại đến cuối cuộc đời.
Vậy mà…Và rồi tôi cũng học được và nhận ra rằng, để chữ “quên” được trọn vẹn phần nào ta cần phải có “thời gian”.
Quả thật, thời gian là một thứ ghê gớm hơn tôi đã từng mường tượng.
Tuy rằng tôi đã có “thời gian” và “quên” nhưng nếu như tôi không nhận ra là tôi cần phải thêm từ “rũ bỏ” vào thì hai thứ trên sẽ vô nghĩa, lúc ấy tôi sẽ ghét người đó, chứ không phải là quên.
“Mà khi đã “ghét” tức là bạn luôn mang bên mình sự phiền muộn và nỗi cô đơn. Kèm theo đó là một nỗi nhớ không cần thiết về người bạn cần phải quên.”
Tôi đã phải cố gắng rất nhiều ở nhiều năm trước, chỉ để làm được một điều tưởng như không thể.
” Hãy rũ bỏ mọi thứ, rồi thời gian sẽ giúp bạn lãng quên!”
Có như vậy, bạn mới bước tiếp được cuộc hành trình còn dài ở phía trước. Có như vậy, bạn sẽ không còn ghét người đó được nữa.
Trả lời