Đời con người ta là sự nối tiếp của những chuyến đi lớn nhỏ để chuẩn bị cho chuyến đi cuối cùng của đời mình. Đa số những chuyến đi lớn của con người là khi người ta còn trẻ, còn đủ năng lực và nhiệt huyết, đủ đam mê và cuồng nhiệt để khám phá, tìm hiểu.
Vào Đại học, những chuyến đi tình nguyện làm con người ta lớn lên theo năm tháng. Cảm giác ban đầu là sợ và ngại. Là sinh viên, chưa va chạm nhiều với cuộc sống, mà lại đến những làng quê nghèo khó, nơi khó khăn và nghèo khổ làm người ta chai sạn trong cả dáng vẻ và suy nghĩ, thật sự là sợ. Và ngại, đối mặt với đất đai sình lầy, với những ngày không điện và thiếu nước, thiếu cả đồ ăn, mà lẽ ra có thể ở lại thành phố, làm thêm kiếm tiền hoặc về quê với ba mẹ. Nhưng vì một quyết tâm, một câu nói mà dường như ai đã đi tình nguyện đều phải nói với nhau “Có đi mới biết được”.
Và tôi biết, biết rất nhiều.
Biết cái cảm giác “siêu nhân” khi đắp đường với mọi người từ 5h sáng đến 12 giờ trưa, chiều đi dọn vệ sinh từ 2h đến 7h mới bắt đầu ăn cơm
Biết cảm giác “ăn ở tập thể” là như thế nào. Tắm thì phải tiết kiệm từng giọt nước, có khi chẳng có nước mà tắm. Tới giờ ăn tranh nhau từng chén cơm và cười như nắc nẻ mỗi khi các thành viên trong đội làm trò lố. Giờ ăn cơm mà ngồi hồi hộp, rớt 1 hạt cơm phạt 2 ngàn đồng, thế mới biết quý từng hạt thóc hạt gạo người ta làm ra.
Biết cảm giác ê ẩm và đau không dậy nổi vì làm việc quá nhiều, nhưng vì ngoài kia tiếng nói tiếng cười, tiếng hát và cả tiếng hét ầm ĩ làm ta không cho phép mình nằm ì mà phải dậy, ra ngoài kia tiếp tục làm việc.
Biết cảm giác những đêm không ngủ kéo nhau ra gò đất nằm nghểnh mặt nhìn sao tán dóc, đàn ca hát hò ầm ĩ, để rồi sáng lúc mò về đã bị đội trưởng kỉ luật vì tội đi phơi sương không đảm bảo mục tiêu sức khỏe, bắt phạt phải đi xúc bùn khai thông cống rãnh, thế mà vẫn không sợ, lại còn hẹn nhau mai mốt kết thúc chiến dịch phải làm một bữa “ra ngô ra khoai”.
Biết cái tiếng má – con, chị – em, anh – em thân ái giữa những con người vốn dĩ không máu mủ ruột rà, nhưng đội tình nguyện đi dân nhớ, ở dân thương nên lúc nào cũng có những gia đình lớn quanh mình. Biết cái cảm giác thương má Hai, má Bảy đứt ruột, tuổi đã già mà neo đơn, ở trong mái nhà lợp tre, vách đất, nên cả đội không quản mưa nắng, gió sương, cùng với huyện Đoàn xây cho các má những căn nhà gạch, không phải sang trọng gì nhưng cũng cứng cáp, đủ che sương che nắng, cho các má bớt phải co người vì lạnh những đêm đông.
Biết thương thằng Út, con Mắm, thương những đứa nhỏ đen đủi gầy còm như que củi khô, nhưng nụ cười lúc nào cũng sáng trưng trên khuôn mặt. Những đứa nhỏ hớn hở nhận những cuốn tập, rồi hí húi học bài, chăm chăm nghe giảng. Có bữa thằng Cò đang giờ học mà len lén chui ra khỏi lớp, bị tụi nhỏ bắt lại: “Thầy ơi, thằng Cò trốn”, thằng nhỏ mếu máo phân bua “Tới giờ con về chăn trâu cho má, còn phải cho heo ăn, coi thằng Út nữa thầy. Con đi cả ngày má con oánh chết”. Thấy thương vô cùng.
Tôi đi, để tôi biết cái cảm giác nghèn nghẹn cổ họng khi kết thúc chiến dịch, chia tay đồng đội, chia tay bà con, nước mắt rơi như mưa. Để rồi năm sau gặp lại, mấy đứa nhỏ còn nhớ tên anh chị, mấy người già còn bắt tay mừng rỡ, anh em thanh niên hồ hởi gặp nhau.
Tôi đi, để biết rằng cho đi là nhận lại. Và mỗi chuyến đi đánh dấu tâm hồn lớn lên.
namlunluoibieng says
dù đi đâu ở bất cứ nơi đâu tình anh em vẫn bền chặt
anh em một nhà I’M VNESE :X :))