Tớ mệt mỏi với cuộc sống này quá cậu à
Trong tâm trạng mệt mỏi chán chường, một cô gái than thở với cậu bạn mới quen:
– Tớ mệt mỏi với cuộc sống này quá cậu à. Giá như tớ không tồn tại trên đời này, giá như tớ có thể ra đi ngay trong giây phút này, sang thế giới bên kia thì tốt biết mấy.
– Tại sao lại phải sang thế giới bên kia? Sang thế giới bên kia thì được cái gì? Cứ sống như thế này có phải tốt hơn không. Cuộc đời còn đẹp lắm mà. – Với nụ cười luôn nở trên môi và cái nhìn ấm áp, cậu bạn quay sang cô gái.
– Cậu có ở trong hoàn cảnh của tôi đâu, cậu có phải chịu nhiều áp lực như tôi đâu mà cậu biết! Cậu có nhiều bạn bè, cậu được sinh ra trong một gia đình giàu có, cậu được ba mẹ chiều chuông. Cậu sống sung sướng quen rồi nên cậu đâu hiểu được nỗi khổ của người khác. – Cô gái gần như gắt lên.
Cậu bạn mỉm cười, nhẹ nhàng đáp lại:
– Tớ cũng như cậu, chẳng qua, cách suy nghĩ, nhìn nhận cuộc sống của chúng ta khác nhau mà thôi.
2 tuần sau, cô gái nhận được tin dữ, cậu bạn của cô đã qua đời vì một căn bệnh hiểm nghèo. Cô gái lặng người, những giọt nước cứ lăn dài trên má. Giờ cô đã hiểu vì sao bạn cô lúc nào cũng sống một cách thoải mái, vô tư, yêu đời. Lúc nào cũng hết lòng giúp đỡ người xung quanh và chẳng bao giờ than thở bất cứ điều gì. Cậu ấy không tiết lộ cho ai biết về căn bệnh của mình, cũng không than vãn, không đổ lỗi cho số phận trớ trêu. Cậu chỉ biết sống hết mình cho đến giây phút cuối cùng.
***
Hạnh phúc là hài lòng với những thứ mình có!
Tôi là một cô nàng 9X chính hiệu mà theo nhận xét của các bậc đàn anh đàn chị là một thế hệ “ưa nổi tiếng”.
Tôi tham gia Câu lạc bộ Âm nhạc trong trường với ước mơ trở thành một Idol, dù giọng hát theo lời bố mẹ nhận định là dùng để đuổi chuột thì giàu to. Tôi đưa chân vào Câu lạc bộ MC trẻ của thành phố để hình ảnh của mình được phủ sóng toàn quốc vào một ngày không xa.
Sống là phải đấu tranh: Câu khẩu hiệu này luôn kéo tôi về phía trước, trong bất kì hoàn cảnh nào. Đúng vậy, sống là phải chiến đấu.
Chiến đấu để giành những thứ tốt về phía mình, đấu tranh để được vươn lên, sánh vai với hàng ngàn chiến sĩ quả cảm khác trong dòng chảy của cuộc sống. Để rồi tôi hoang mang vì những cái mặt nạ nặng trịch, vô hình, áp lực nổi tiếng khiến tôi mệt nhoài với nhiều ảo tưởng mãi không thành.
Tôi đã phải đấu tranh với chính mình một thời gian dài để chấp nhận sự thật về “những điều chưa đủ để trở thành người nổi tiếng” của bản thân. Từ giây phút đó trở đi, tôi thấy mình hạnh phúc – không hẳn vì mình đã trút được gánh nặng áp lực mà còn vì tôi đã nhận ra một điều: Đôi khi, ánh mắt ngưỡng mộ của hàng triệu người không khiến mình hạnh phúc bằng việc ta hài lòng với những gì mình có.
Hạnh phúc đôi khi chỉ là những điều nhỏ nhoi, ẩn khuất đằng sau bao nỗi đau hay trái đắng. Hạnh phúc của những người khiếm thị là một lần được nhìn thấy bóng dáng của những người thân xung quanh. Hạnh phúc của những thầy cô đứng trên bục giảng là thấy được thành công của học trò. Hay đơn giản, hạnh phúc của những người ngồi trên máy bay là chuyến đi “không dừng giữa chừng”.
Còn đối với tôi, sau tất cả, tôi hài lòng với một mái nhà yên ấm, luôn mở rộng vòng tay mỗi khi tôi muốn bỏ cuộc, một hội bạn thân đủ để tôi phơi bày đủ mọi tật xấu. Có thể, tôi vẫn còn độc thân vui vẻ, nhưng có hề gì đâu. Tôi độc thân, tôi quyến rũ và tôi hài lòng với cuộc sống của mình. Thế là quá đủ.
Nhiều người hỏi tôi rằng nếu ai cũng tự hài lòng với cuộc sống của mình thì sao bao người phải nỗ lực, phấn đấu, bao người đổ mồ hôi, sôi nước mắt làm gì? Câu trả lời là bạn đừng nghĩ “hài lòng” đồng nghĩa với “hưởng thụ”. Có những người chỉ có ngồi đó, mơ tưởng, chờ đợi thần may mắn sẽ đến và ban phát cho cái thứ tốt đẹp.
Căn bệnh “ăn sẵn”, “trơ lì” và “tự thỏa mãn” níu giữ bước chân họ, ngăn họ tự lực tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình. Họ đâu biết rằng vận may chỉ đến với những người biết trân trọng và nỗ lực để có được hạnh phúc.
Bạn có hai con mắt để nhìn, hai cái tai để nghe và một trái tim để cảm nhận những nhịp đập yêu thương của hạnh phúc. Ai cũng có quyền được hạnh phúc. Điều quan trọng là bạn có biết cách nắm giữ chìa khóa của hạnh phúc hay không mà thôi.
***
Bạn có giàu không?
Thấy bạn bè có xe đạp điện, mà mình thì cứ phải è cổ ra đạp chiếc xe đạp cũ mỗi khi đến lớp hay khi cô bạn thân có chiếc điện thoại “xịn” hơn, bạn chỉ biết thở dài?
Những lúc rảnh rỗi tôi thường lang thang khắp các con phố để ghi lại những khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc sống. Có khi là một bông hoa đang khoe sắc dưới ánh mặt trời, một giọt sương đọng trên chiếc lá hay dòng người đang lướt đi trên phố… Cậu em họ của tôi cũng có một chiếc máy ảnh, nhưng máy ảnh của cậu ấy đắt gấp mấy lần máy ảnh của tôi. Tôi cảm thấy ghen tỵ với cậu ấy và ước ao có được chiếc máy ảnh “xịn” như thế để tôi có được những bức ảnh đẹp hơn.
Rồi một ngày nọ, cô hàng xóm tâm sự với tôi rằng ngày xưa nhà cô nghèo lắm. Chồng cô mất sớm, một mình cô phải chăm sóc bố mẹ già và hai đứa con nhỏ. Cuộc sống khó khăn đến cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, ngày khai giảng cố gắng lắm cô mới mua cho con được bộ quần áo mới. Biết nhà nghèo, nên có bộ quần áo mới cậu con trai cô hết sức giữ gìn. Đi đâu về là giặt giũ sạch sẽ rồi treo lên mắc cẩn thận, cho nên quần áo lúc nào cũng như mới. Thỉnh thoảng có khách đến nhà chơi, ai cũng ngạc nhiên: “Ơ? Nhà nghèo mà có cậu con trai như công tử ấy nhỉ! “.
Cô bé hàng xóm nhà tôi cũng vậy. Nhà nghèo, không được bố mẹ mua cho nhiều đồ chơi, nên mỗi khi chơi xong cô bé đều xếp ngay ngắn vào làn rồi cất vào trong tủ. Có mỗi một bộ đồ hàng mà cô bé chơi mấy năm không hỏng mà chẳng mất đi cái nào. Trong khi bao đứa trẻ khác, được bố mẹ mua cho hết đồ chơi này đến đồ chơi khác nhưng chẳng mấy chốc là hỏng hết.
Trở lại câu chuyện về chiếc máy ảnh của đứa em họ tôi. Cũng có lần tôi dò hỏi xem mục đích cậu ấy mua máy ảnh là gì? Tôi cũng không ngờ, mục đích cậu ấy mua máy ảnh đơn giản là để chụp cùng bạn bè trong những chuyến đi chơi. Lần gần đây nhất tôi hỏi về chiếc máy ảnh thì được biết chiếc máy ảnh đó đã hỏng do bị rơi xuống nước. Xem ra, chiếc máy ảnh của tôi có ích hơn rất nhiều so với chiếc máy ảnh “xịn” khác. Ngoài việc chụp ảnh về các hoạt động tình nguyện của nhóm thì những bức ảnh thiên nhiên, hoa lá mà tôi chụp cũng được sự hưởng ứng của bạn bè.
Qua đó tôi mới hiểu ra rằng người giàu có không phải là những người sở hữu những món đồ đắt tiền mà quan trọng là chúng ta sử dụng những món đồ đó như thế nào. Một cậu bé nhà nghèo có thể trở thành một chàng công tử khi biết giữ gìn quần áo sạch đẹp. Một cô bé nhà nghèo có thể có rất nhiều đồ chơi nếu cô bé biết giữ gìn những bộ đồ chơi đó và với một chiếc máy ảnh rẻ tiền chúng ta có thể làm được rất nhiều điều…
Vì vậy các bạn đừng buồn khi thấy bạn bè có nhiều đồ “xịn” hơn mình. Hãy nâng niu, giữ gìn và sử dụng những món đồ của bạn vào những việc có ích thì chắc chắn bạn cũng không kém một người giàu có nào đâu.
***
Đừng vội hài lòng với những gì mình đang có
Tôi có từng xem một chương trình dành cho học sinh trung học. Trong đó những cô bạn, cậu bạn đó sẽ lên trình bày hoặc diễn giải về một quan điểm, một vấn đề thuộc xã hội hay cuộc sống theo cách họ hiểu, từ đó rút ra được những bài học. Tôi thì tôi nghĩ dạng chương trình đó rất hay, nó giúp những học sinh như chúng tôi nhận biết được sâu sắc hơn giá trị của cuộc sống, rồi sống sao cho tốt, cho lương thiện. Nhưng khi xem chương trình đó, tôi lại cảm thấy đôi chút thất vọng.
Tất cả những điều cô bạn cậu bạn đó nói không phải là mới: đó là những vấn đề thương xuyên được nhắc đến mà ai cũng hiểu, như “yêu chính mình, học sao cho tốt, ước mơ của thanh niên,…”. Không phải sai, tất nhiên, thậm chí trong số họ nói vô cùng hay, vô cùng xúc tích, chỉ là nó quá phiến diện một chiều, giống y hệt những bài tập phân tích nghị luận xã hội của các trường học, những bài mà học sinh chỉ có duy nhất một sự lựa chọn là buộc phải tán thành những ý kiến mà cô giáo “đọc bố cục” cho. Điều đó không sai, chỉ là quá một chiều và đôi lúc, tiêu cực.
Đặc biệt có một bài nói gây ấn tượng cho tôi nhất, không phải theo nghĩa “tâm phục khẩu phục”, mà là bài tôi muốn phản bác nhất. Đó là bài nói của một cô bạn về chủ đề “Hãy hài lòng với những điều mình đang có”. Cô bạn đó nói rất hay, rất “chuẩn mực”, theo đúng kiểu quan niệm một chiều về mặt lý tưởng thái quá, và với tôi, đó là một bài học thuộc lòng hoàn hảo được mớm lời nhờ các thầy cô.
Trong cuộc sống, tất nhiên có vô vàn, ý tôi thật sự là vô vàn khó khăn thách thức, những cơ hội, những chướng ngại,… như một cách thử thách chúng ta, để chúng ta trở thành người tốt đẹp hơn, tài giỏi hơn, có ích hơn. Không ai có thể phủ nhận điều đó, trừ những cậu ấm cô chiêu ít suy nghĩ sinh ra giàu có từ trong nôi và sống sung sướng trong đống gia tài thừa kế. Giàu không phải tội của họ, họ may mắn, và họ muốn làm gì với những thứ họ được hưởng, được quyền hưởng là chuyện của họ, chẳng ai có quyền đánh giá. Thế nên, điều cơ bản của cuộc sống là: nỗ lực không ngừng.
Và cô bạn tôi kể trên, đã nói một bài diễn văn về “hài lòng với những gì mà mình đang có” qua những dẫn chứng như: chúng ta còn may mắn hơn rất nhiều những người tàn tật, những người kém may mắn hơn chúng ta, rồi chúng ta có tình thương nhưng đôi lúc vẫn đua đòi, chúng ta đầy đủ nhưng lại luôn muốn có thêm nhiều thứ. Tôi hoàn toàn không phủ nhận điều này, điều này là hoàn toàn chính xác: chúng ta đôi lúc không nhận ra được rằng mình đã có được những thứ gì cho đến khi mất chúng. Chúng ta, rất nhiều trong chúng ta, may mắn hơn vô cùng, vô-cùng nhiều người khác. Nhưng điều tôi đang nói ở đây, là con người bản chất luôn có lòng tham, có một lại muốn có hai, có ba, có mười. Thế nên tôi không nghĩ điều “hài lòng với những gì mình đang có” là chính xác. Nếu ai cũng hài lòng, thì còn ai cố gắng? Nếu không ai cố gắng nữa, thì xã hội sao mà phát triển được đây? Nếu ai cũng hài lòng với bản thân, thì ai còn tiếp tục rèn luyện trau dồi? “Hài lòng” là một từ khó có thể giải thích, thậm chí nó chỉ là một từ trên khái niệm, vì ngay sự “hài lòng” của mỗi người lại đã khác nhau rồi. Với người này sống “ổn định” lại đã là “hài lòng”, với người nọ thì có vợ đã là “hài lòng”, và có những người thì phải có nhiều công ty hơn nữa mới “hài lòng”. Thế nên, ngay từ khi cô bạn đó chọn chủ đề là “hài lòng với những gì chúng ta đang có”, tôi đã thấy một khái niệm lý tưởng mà trên lý thuyết vô dụng ngoài đời thực.
Nhưng những điều mình đang có cũng vô cùng quan trọng. Không ai được quyền phủ nhận sự tồn tại và tác động của chúng đến chúng ta. Những điều chúng ta đang có như: môi trường giáo dục, tình thương, cha mẹ, kể cả những thứ nhỏ nhất như quyển vở cái bút hay cái điện thoại, chúng đều quan trọng và có ứng dụng thực tiễn trong cuộc sống. Nghĩa là chúng ta cũng phải tôn trọng chúng. Chúng là một phần trong cuộc sống của chúng ta, và đôi lúc phải mất rồi chúng ta mới biết trân trọng.
Xin đừng hiểu lầm rằng tôi cho rằng “hài lòng với những gì mình đang có” là sai. Chúng đúng, ở một mặt nào đó, và người ta hài lòng với chúng để tìm thấy sự tĩnh lặng, để yêu bản thân hơn, để sống tốt đẹp hơn, hoặc để thanh thản hơn. Tôi chỉ cho rằng chúng không mấy hợp lý. Đấy là về phần tôi. Và quan niệm mỗi người lại hoàn toàn khác nhau, thế nên tôi sẽ không đánh giá các quan điểm lí luận riêng tư mà chỉ nói lên suy nghĩ của-tôi ở đây.
Và cuối cùng, điều tôi muốn nói rằng, đừng “hài lòng với những điều mình đang có”, mà là “trân trọng những điều mình đang có” và “nỗ lực không ngừng để đạt được những điều mình chưa có”. Tôi xin nhấn mạnh rằng, “trân trọng những gì mình đang có” và “nỗ lực không ngừng để đạt được những gì mình chưa có”. Và buồn cười hơn, trái lại với mọi “chuẩn mực cuộc sống” mà mọi người hay nói, nhưng tôi sẽ nói rằng, “đừng bao giờ hài lòng với những gì mình đang có”.
Trả lời