Khi lớn, người ta không dễ tin vào những thứ ngày trước mình từng tin. Vì thế, con đường để một điều gì đó hay một người nào đó đi vào trong tim ngày càng hẹp, càng xa. Nhiều khi những thứ ấy đến một cách bất ngờ, tựa như một trận mưa rào mùa hạ hay một anh chàng khôn ngoan nào đó chọn cách nhảy dù từ trên trời xuống để đỡ phải đi lòng vòng nhưng vẫn động phải một bức tường kiên cố. Tất nhiên, bức tường đó không chỉ đơn giản: “Vừng ơi, mở ra” là có thể vào bên trong.
Dù là gái hay trai, người ta vẫn phải học cách bảo vệ bản thân mình tránh khỏi những tổn thương, lừa lọc, gian dối của đời người, cân đo đong đếm giữa “được” và “mất”. Ngày nhỏ, có thể vô tư nhận của ai đó cái kẹo hoặc tin vào những điều không thật nghe từ người khác nhưng càng lớn, người ta hiểu được lấy cái gì đó từ người khác là nên hay không, tin vào người khác sẽ “được” hay “mất”. Người ta hoài nghi nhiều hơn vào lời người khác hay đôi khi là chính bản thân mình. Nhưng đôi khi, biết không nên mà vẫn làm, biết giả dối mà vẫn tin, cũng vì lớn, người ta bắt đầu học cách chấp nhận với những quyết định của mình và thỏa hiệp với người khác.
Khi càng lớn, ta càng có ít thời gian để nghĩ về những gì xưa cũ. Bởi ta cần dành thời gian cho “cơm áo gạo tiền” nhiều hơn, chứ không phải là không có thời gian để nghĩ về quá khứ. Ký ức có thể vực một người dậy nhưng cũng có thể khiến người ta bần thần suốt cả một ngày trời, biết vậy nhưng có khi ta vẫn bị ký ức xâm chiếm, không đánh mà thua, cứ thế bất giác ngồi nhớ về những gì gần như hoen ố hay còn thoang thoảng mùi hương như vừa mới đây thôi. Có lẽ chẳng ai biết ký ức có tuổi hay không vì trong trí nhớ của ai đó, ký ức còn rõ ràng hay nhạt nhòa thì chỉ người đó biết mà thôi. Con đường của ký ức ngày càng dài khi người ta lớn dần lên và nó thu hẹp lại ở những con người, những cảnh vật nhất định.
Người ta cứ nhớ nhớ quên quên nhưng chẳng bao giờ là nhớ hẳn hay quên hẳn điều gì đó đã chạm đến tình cảm của mình, chỉ tựa như đánh rơi ở đâu đó, có lúc hốt hoảng tìm về trên con đường quá khứ dài đằng đẵng rồi lại hoang hoải, chênh vênh. Nhưng cũng có lúc nhắm mắt làm ngơ, ừ thì, đã qua rồi níu kéo lại làm gì. Vậy đó, cứ nâng lên đặt xuống, rồi có những khi, cố nhớ mà thấy mình không thể nhớ lại được nữa, khi con đường đã quá dài rồi, chẳng thể tìm ra điểm bắt đầu ở đâu và người ta chỉ còn nhớ “hình như ngày xưa không thế này”. Người ta nhiều khi thở dài, cố gắng mãi mà chẳng thể tìm lại cảm giác của ngày xưa.
Đường hẹp, người ta dần định nghĩa rõ ràng hơn hai chữ “quan trọng” trong từ điển của riêng mình. Và người ta cẩn thận hơn khi dùng từ đó để nói về một ai khác. Bản thân mình là quan trọng, gia đình mình là quan trọng và còn ai nữa… có những người mỗi năm chẳng gặp được một lần nhưng vẫn quan trọng, có những người ngày nào cũng ở bên nhưng chỉ như gió thoảng mây bay. Và trong những tháng ngày dài đằng đẵng của cuộc đời, người ta hiểu có những thứ mất đi rồi mới biết là quan trọng, có những thứ tưởng như quan trọng nhưng thật ra cũng chỉ là một chấm nhỏ trong tim.
Vì thế, người ta cần suy nghĩ để cái gì lại, xây cái gì lên, quăng cái gì đi, cho ai đi trước? Sự hỗn loạn hay ngăn nắp ở con đường đó chỉ có chủ nhân của con đường mới biết được. Ai đã quyết đi vào một con đường của ai khác, vậy hãy cẩn thận và để ý nhiều hơn, đi con đường của mình đã khó, cùng đi trên con đường của người khác còn khó hơn. Dù sao, đường hẹp dần nhưng chẳng phải không có lối để đi và cũng chẳng phải chủ nhân của con đường đó không thể mở rộng cánh cửa thêm một lần nữa. Đường hẹp nên lòng mới cô đơn hay vì cô đơn mà con đường hẹp lại.
Trả lời