Khi tôi mười lăm tuổi, trong mắt tôi chỉ tồn tại tất cả những gì liên quan đến nam ca sỹ, diễn viên Bi Rain. Lớp tôi có đến ½ số đứa con gái thần tượng anh. Tôi dành dụm tất cả số tiền mình có, từ tiền mừng tuổi đến tiền thưởng, tiền ăn sáng để mua ảnh của anh về treo khắp nhà. Từ đó, hầu như cuộc sống chỉ có tôi và Bi Rain. Tôi không quan tâm nhiều đến những chuyện khác, chỉ biết khóc lóc khi nghe tin anh bị chấn thương khi đang nhảy trên sân khấu, thấy hạnh phúc khi anh cười và nghe mãi những bài hát của anh mà không biết chán.
Tôi tìm mọi cách để có thông tin từ Bi Rain. Thường thì tôi và lũ bạn sẽ đi thuê Báo Hoa học trò về đọc, sau đó lén cắt đi trang báo nào có ảnh Bi Rain. Nhờ thế, chả mấy chốc tôi sở hữu cả bộ sưu tập dày dặn ảnh của anh khiến nhiều đứa con gái khác thèm thuồng. Đối với tôi không niềm hạnh phúc nào hơn thế.
Đối với tôi, Bi Rain đã trở thành một ngôi sao thần tượng nổi tiếng khắp thế giới, vượt qua mọi bất hạnh tuổi thơ để chứng tỏ khả năng của mình. Tôi còn nhớ, mình đã khóc cả đêm khi đọc được lời anh tâm sự trên báo. Hồi nhỏ, gia đình Rain rất nghèo khó, đến nỗi có lần anh bị đói một tuần mà không có gì ăn: “Tôi không có nước sạch để uống. Một ngày, tôi uống nước đã đun từ vài ngày trước và có cảm giác như có cát ở trong cổ. Sau đó, tôi nhận ra rằng đó là trứng của con gián đã nở”.
Trước những biến cố không hay xảy ra trong cuộc sống của anh, tôi đâm ra chán ăn, trầm cảm, dần cũng suy sụp và ốm những ngày sau đó. Tôi ước mình có thể đứng ở xa, ngắm nhìn và cầu nguyện anh hạnh phúc. Nhiều đêm, trong những giấc mơ của mình, tôi mơ được cùng Bi Rain biểu diễn trên sân khấu. Những giấc mơ đẹp vẫn còn khiến tôi lâng lâng suốt cả ngày hôm sau.
Dần dần, tôi từ học sinh giỏi đâm ra học kém, nhiều khi lú lẫn còn chép cả bài hát của Bi Rain trong tiết kiểm tra văn, bị thầy cô nêu tên trước toàn trường, bị mời bố mẹ tới họp riêng cùng giáo viên chủ nhiệm. Bố mẹ biết tất cả những gì đã xảy ra đối với tôi. Ban đầu mẹ nhắc nhở, phân tích nặng nhẹ đủ kiểu nhưng không hiệu quả. Làm sao tôi có thể bớt yêu thần tượng của mình được chứ?
Trong khi anh ngày một phong độ và trưởng thành trong khó khăn. Bố tôi thì không nói gì cả, ông chỉ ngồi lặng lẽ, buồn rười rượi khi đối diện với tôi, trút những tiếng thở dài nặng nhọc. Chỉ đến khi bố tôi xé tất cả những ảnh Bi Rain tôi treo trong phòng thì mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm. Tôi chỉ nhớ, mình đã quát lớn: “Bố thật quá đáng, bố không có quyền làm như thế” rồi chạy ra khỏi nhà khóc nức nở.
Cứ thế, trong gia đình tôi, chiến tranh lạnh kéo dài. Mẹ tôi đứng ở giữa, bà luôn bối rối trước cách hành xử của hai bố con. Còn tôi, cảm thấy bị tổn thương ghê gớm. Tại sao bố tôi lại làm như thế, trong khi ông là người lớn, phải có cách hành xử như một người lớn thực sự. Tôi không bao giờ cho rằng mình sai và càng cảm thấy yêu Bi Rain nhiều hơn mà quên mất rằng, mỗi ngày tháng qua đi bố mẹ tôi lại thêm lam lũ, thêm tuổi già.
Cho đến một ngày bố tôi bị lao lực, suy nghĩ quá sức, phải nhập viện tôi mới hối hận và nhận ra tất cả. Tôi không hề biết rằng, từ khi tôi sinh ra, bố tôi mắc bệnh mất ngủ, bởi đêm nào cũng thức dậy chục lần vì tôi quấy. Lớn lên, sau mỗi đêm bật nhạc nghe, tôi ngủ gục ngay tại bàn học, bố lại là người bế tôi vào giường, đắp chăn, kéo màn cho tôi. Tôi cũng không hề biết rằng ban ngày bố tôi lam lũ ngoài đồng, đêm đi đóng gạch thuê để có tiền nuôi chị em tôi ăn học… Bố tôi quanh năm chân lấm tay bùn, gót chân nhuốm phèn vàng cạch và có thói quen dậy từ lúc tinh mơ gà gáy, chưa bao giờ nghe nhạc Hàn Quốc, nhưng yêu thương tôi bằng tất cả trái tim mình.
Tôi ngày càng xa dần Bi Rain hơn, cảm xúc thần tượng dần cũng hết, đôi khi nghĩ về thời say mê cuồng nhiệt của mình chỉ mỉm cười về một thời thơ dại, đã bỏ lỡ việc học hành, tổn thương bố mẹ vì những thứ phù du. Tôi vẫn tôn trọng anh, nhưng anh không còn quá nhiều ý nghĩa với tôi nữa. Tôi thanh thản khi nghĩ rằng đó là quy luật tự nhiên mà thôi.
Năm nay, tôi lên Hà Nội thi Đại học. Mẹ chuẩn bị cơm nắm muối vừng từ sớm, khăn gói đưa tôi lên thành phố đi thi. Bố tôi đã quá nửa đời mới được đặt chân lên thành phố, choáng ngợp trước những tòa cao ốc, nghẹt thở mỗi khi tắc đường, những khó chịu trong người cứ thế bộc phát thành bệnh. Dù ốm, nhưng bố vẫn đưa tôi đi thi, chờ tôi làm bài và đón tôi trong sự quan tâm tận tụy.
Đọc đề thi, tôi không khỏi bất ngờ trước đề bài: “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa nhưng mê muội thần tượng lại là một thảm họa”. Đề thi đã thật đúng với những cảm xúc tôi đã trải qua. Tôi nghĩ đến buổi thi sáng nay, những học sinh thành phố may mắn hơn thì được cha mẹ đưa đi thi bằng phương tiện xe máy, ô tô, trong lúc con thi thì tranh thủ tới cơ quan ngồi điều hòa. Còn lại, bố tôi quanh năm “đầu trần chân đất” giờ lại đợi con giữa cái mưa nắng thất thường, vẫn từng giờ phút… thi gan với ông trời chỉ để mong sao khi bước ra khỏi cổng, tôi nhìn thấy bố đầu tiên.
Trong lúc làm bài thi môn văn, tôi chỉ nghĩ đến hình ảnh bố, nghĩ về những vùng quê nghèo, mỗi bát gạo bố mẹ phải một nắng hai sương đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt mà nghẹn ngào.
Những câu văn đầu tiên tôi đã viết: “Thần tượng của tôi chính là bố mẹ, nếu không có họ chẳng thể nào tôi có mặt trên đời để mà mê muội hay tôn sùng một người khác”. Chưa bao giờ tôi nói yêu bố mẹ cả, thế nhưng họ là tất cả những gì đối với tôi.
Trả lời