Ngay khi đã là sinh viên rồi, tôi vẫn thường xuyên thủ thỉ cùng bà ngoại. Bà giúp tôi hiểu biết, bà cho tôi nhiều an ủi. Tôi nhớ cái lần chàng trai 20 tuổi khóc vì tuyệt vọng, bà nói: “Yên tâm, cháu sẽ có đủ”. “Làm sao bà có thể biết được?”. Bà cười móm mém: “Bà biết chứ, bà nhìn hạt giống người ta gieo, bà biết sẽ mọc lên cây gì”.
Ai cũng có những bà nội, bà ngoại như thế. Những bà nội, bà ngoại đầy thông tuệ, tích lũy những cảm nhận qua cả đời người cay đắng, ngọt bùi. Nôbita rất nhớ bà ngoại của cậu. Người bà rất thương cậu, chỗ dựa và là niềm an ủi của chú bé yếu ớt, hậu đậu. Thấy lại món quà thơ ấu bà tặng năm nào, chú bé nghẹn ngào rơi nước mắt. Đó là một con lật đật. Bà tặng cậu với lời chúc cháu của bà sẽ không khóc khi ngã và dù ngã kiểu gì thì cũng có thể tự mình đứng lên được. Ca sỹ Hồng Nhung răng khểnh cũng có một người bà. Người đã bù đắp cho cô trong những lúc vui buồn, thành công và thất bại. Khi Nhung buồn vì những mất mát, bà an ủi cô: “Không sao đâu con, trời không cho không ai cái gì bao giờ. Mất cái này thì được cái kia con ạ.”
Nuôi con, rồi nuôi cháu. Đôi khi bà của chúng ta to lớn hơn ta tưởng. Bà là bà ta, là mẹ ta, là thầy ta và hơn thế nữa. Bà ngoại của nhà thơ – nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến là vậy. Một mình bà đội cả trời nắng to. An nhiên tự tại đối diện với cuộc sống khó nhọc mà hồn hậu, yêu thương. Cười cười một chuỗi trời thử bụng ta/ Có mùa thóc lép lợp trên mái nhà/ Có mùa hoa cà tự nhiên tím tái…
Người phương Tây nói rằng mỗi người già là một thư viện. Khi người già mất đi, cái thư viện biến mất. Tôi vẫn còn một cái thư viện – mẹ tôi ở quê nhà, cách gần một nửa chiều dài non nước. Tôi vẫn thường xuyên “tra cứu” mỗi lần gặp trúc trắc trên đường đời. Những lúc buồn nhất tôi chỉ cần về ôm cái thư viện vài giây là lòng lại được an ủi, thảnh thơi. Tôi vẫn thường xuyên lo sợ về một ngày cái “thư viện” ấy không còn nữa, để lại một khoảng trống không gì bù đắp nổi, như cảm giác của tôi mỗi lần tôi về lại quê nhà thắp hương cho bà ngoại, giữa bạt ngàn hoang mộ.
Nếu em đang được sống với ông bà, em nhớ là em đang rất giàu có đấy nhé. Những cái thư viện rất đặc biệt có thể cho em cả sự thông tuệ, tâm hồn và tình yêu thương. Nhưng tin buồn là cuộc sống vô thường, những “thư viện” mang ánh nắng cuối ngày không còn dài lâu. Bà ngoại của Nôbita đã về trời. Bà ngoại của tôi cũng như đám mây trắng bay về bên kia núi. Bà của Hồng Nhung không biết có còn? Bà ngoại của Vĩnh Tiến cũng chỉ còn trong nỗi nhớ. Nhớ bà tôi một trăm năm rồi ngọn cỏ hóa mây trời. Hàng triệu thư viện quý giá như vậy đang bay về trời. Vậy thì em hãy “đọc” đi, “đọc” nhanh nhanh lên nhé! Nào, lao vào lòng “thư viện” đi nào!
quyank_0812 says
Em chả có may mắn dc sống với ông bà nhiều:( Ông ngoại mất sớm, ông bà nội thì gần 10 năm mới dc gặp 1 lần:( Chỉ có bà ngoại nuôi em từ nhỏ:)
Nhớ bà ngoại quá, bà ngoại nấu j cũng ngon hơn mẹ nấu, từ món đơn giản như luộc rau muống đến bún bò Huê…
gio... says
Từ bé đến lớn mình chỉ ở với bà ngoại nếu tính ra cũng chỉ khoảng 1 tháng… ngày biết tin bà mất mình không về được… mình không buồn… không khóc… mà lại là 1 cảm giác bình yên: vì bà ra đi rất nhẹ nhàng bằng 1 câu: tao chết đây… Mình đã nghe mẹ kể lại như vậy.
Cuộc sống là vậy, ai rồi cũng đến lúc phải lìa đời, và mình lại cảm thấy bình yên vì sự ra đi của bà thật là thanh thản
Cuộc sống hiện đại khiến cho những người cháu và ông bà thật khó gần.
chap says
chưa từng được sống với ông bà 1 lúc nào 🙂 ông bà mình đều đã mất trước khi mình ra đời
nhiều khi nhìn các bạn có ông bà cũng ghen tị và tủi thân lắm 🙂
myfamily_shb says
nghe ca khúc này làm mình lại nhớ bà ngoai.hơn 100 ngày kể từ hôm bà mất thật là nhanh,cuộc đời bà thật khổ mặc dù mình không được ở cùng bà nhiều nhưng mẹ thường xuyên kể về bà một người đã hi sinh rất nhiều cho con cháu .mãi nhớ bà