Lết tấm thân bé nhỏ, gày gò trên cơ thể không còn lành
lặn, Thiện Nhân ôm chầm lấy bà ngoại nuôi khi nhìn thấy khách lạ. Đôi
mắt bé ngơ ngác sợ hãi. Gần 2 năm trước, người ta tìm thấy bé trai
người lấm máu, bị kiến và con vật nào đó nhấm mất một chân phải và bộ
phận sinh dục.
Trong căn nhà nhỏ ở 118 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội,
Thiện Nhân đang vui đùa với những người thân trong tổ ấm mới của mình.
Bé vừa được gia đình anh chị Quang Nghi – Mai Anh đưa về nuôi sau những
ngày tháng sống lay lắt, đầy đau đớn của một cơ thể khuyết tật, ít được
chăm sóc tại ngôi nhà của ông bà ngoại trên ngọn núi, huyện Núi Thành,
tỉnh Quảng Nam.
Một buổi sáng tháng 7, 2 năm trước, người dân phát
hiện trong vườn hoang một bé sơ sinh đang thoi thóp với cơ thể tím đen,
trên mình hằn đầy những vết cắn, nhấm. Cháu bé được đưa đến bệnh viện
Đa khoa Quảng Nam trong tình trạng một chân phải và bộ phận sinh dục
của cháu bị mất.
Các sư đến thăm cháu tại bệnh viện và cái tên Hồ
Thiện Nhân ra đời với mong muốn ghi nhận lòng thiện, điều nhân nghĩa
của những người đã giúp đỡ và cưu mang cháu.
Đôi mắt Thiện Nhân tinh nhanh, trong veo nhưng dường như trong đó vẫn luẩn quất một nỗi đau thực thể.
Thẳm sâu trong đôi mắt sáng, tinh nhanh là một nỗi buồn về thân phận bất hạnh. Ảnh: Việt Dũng. |
Bà ngoại nuôi của Thiện Nhân kể: “Khi mới được đón
về, cả đêm cháu không ngủ. Ngày khóc, đêm về cháu cứ ngồi, mỗi khi gục
xuống giường thì giật mình rồi lồm cồm ngồi dậy. Dỗ thế nào cũng không
chịu ngủ, chẳng chịu theo ai. Thức ăn thì chỉ độc thích chuối và cơm
nguội. Khi cho ăn thứ khác, cháu cứ đưa lên mũi mà hít, ngửi.”.
“Suốt 3 ngày bị mẹ bỏ rơi trong vườn, bị kiến bâu, rồi đủ các con vật cắn, mà nó vẫn sống, quả là kỳ lạ,” bà nói.
Chị Mai Anh, mẹ nuôi của cháu nhớ lại: “Khi đọc thông
tin trên báo về trường hợp của cháu bé, tôi đã rất xúc động. Cuối năm
2007, tôi cùng một vài người bạn vào Quảng Nam thăm cháu. Đúng là không
thể cầm được nước mắt khi nhìn thấy cảnh cháu lết chân tay bò khắp nhà
để tìm thức ăn, mặt mũi lem luốc… Lúc đó, không hiểu sao tôi lại có
niềm khao khát được làm người mẹ chăm lo cho cháu”.
Rồi chị bàn với chồng, với cha, mẹ nội ngoại hai bên
xin được đón cháu về nuôi. Lúc đầu, anh cũng đắn đo. Anh phân tích cho
chị những khó khăn vất vả khi nuôi một cháu bé mà cơ thể không còn lành
lặn, những tổn thương về tinh thần trong cuộc sống mai sau… Nhưng rồi,
tình thương, lòng trắc ẩn đã chiến thắng. Anh đồng ý đón cháu về. Mẹ
chị chỉ nhắn một câu: “Con đã bước một bước thì hãy bước tiếp. Mẹ luôn
ở bên cạnh con”. Cuối tháng 3, Nhân được đưa ra Hà Nội.
Thiện Nhân đã hoà nhập với gia đình mới.
Mấy ngày nay, cháu đã bi bô tập nói, đã bắt đầu biết cười. Chị Mai Anh
cho biết cháu ăn rất tốt, hay vui đùa cùng 2 anh trai và đặc biệt mấy
đêm nay cháu ngủ rất ngoan.
Nhưng điều mà anh chị và cả gia đình lo lắng là, dù
cháu di chuyển bằng 3 chi rất nhanh và có thể trèo leo lên bàn, lên ghế
nhưng nếu không chữa trị sớm, cơ thể cháu có thể sẽ phải chịu những tổn
thương khác khi bị lệch cột sống.
Ngôi nhà của bà ngoại Thiện Nhân trên núi (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) Ảnh: M.L |
Như một bản năng, Thiện Nhân rất mặc cảm về những
khiếm khuyết trên cơ thể mình, dù cháu chỉ mới 20 tháng tuổi. Mỗi khi
bác sĩ khám bệnh, hay người lạ muốn xem vết thương, Nhân lấy hai tay
giữ chặt quần và thường khóc thét lên.
Gia đình Mai Anh đưa Thiện Nhân đến bệnh viện Việt
-Pháp. Các bác sĩ cho biết, trước mắt cần phải làm chân giả và hàng năm
phải điều chỉnh chân giả cho phù hợp với độ lớn của cơ thể.Việc tái tạo
cơ quan sinh dục và tinh hoàn chỉ có thể thực hiện được khi bé đến tuổi
dậy thì.
Khi đón cháu bé, vợ chồng chị Mai Anh đã lường trước
những khó khăn này, nhưng lúc đó vì tình thương, anh, chị chỉ muốn
nhanh chóng đón bé để chạy chữa. Hiện, bé đã được lắp chân giả và đang
bước những bước đi đầu tiên.
“Trước mắt, việc lắp chân giả, gia đình tôi và những
người bạn có thể quyên góp được. Nhưng con còn cả một chặng đường rất
dài để chữa trị. Điều mà tôi lo sợ nhất là sự thiếu thông cảm của cộng
đồng, nay mai con còn phải đi học, phải đương đầu với xã hội, con sẽ
mặc cảm về thân phận, về sự khiếm khuyết của mình. Đó là điều tôi không
thể cho con được”, giọng người phụ nữ ngoài 30 như nghẹn lại.
Nhìn con đang tập những bước đi đầu tiên trên đôi chân vừa lắp, mắt chị ầng ậng…
Trả lời