Đã từng có thời điểm, người nghe nhạc theo thời “bĩu môi” cho rằng thời nay mà còn nghe nhạc qua radio thì đúng là… “âm lịch”: ti-vi suốt ngày ca nhạc, đĩa CD giá rẻ cùng với những dàn âm thanh hi-fi ngày càng bình dân, rồi show ca nhạc miễn phí tràn lan, rồi nghe nhạc thoải mái trên internet… Đã có không ít những câu hỏi thảng thốt kiểu “Bây giờ ai nghe đài?” dành cho những người làm chương trình phát thanh. Nhưng thực tế cuộc sống đã chứng minh quan niệm ấy là chỉ sự ngộ nhận của một lớp người lo chạy theo những gì “thời thượng”. Ca nhạc phát thanh – âm nhạc qua radio – vẫn chiếm một thị phần lớn mà không đáng ngạc nhiên chút nào…
Ở những nước phát triển, tức là nền công nghệ giải trí cũng ở trình độ cao, nghe nhạc qua radio là thói quen của một bộ phận không nhỏ dân chúng, và ảnh hưởng trực tiếp đến sự lên xuống của các ca khúc trên những bảng xếp hạng. Nghe radio với nhiều người, là loại hình giải trí tiện dụng nhất, dễ dàng nhất và rẻ nhất. Rất nhiều người trong số họ không có cái háo hức xem MTV như người dân ở những nước nghèo, họ không còn phát sốt lên vì những live show của rockband này hay diva nọ. Với họ, nghe nhạc trên radio là thưởng thức âm nhạc thuần túy, thứ âm nhạc đã được chọn lọc.
Quả thật, nghe radio có thể so với nghe nhạc qua băng đĩa, là cách thưởng thức âm nhạc “đàng hoàng” nhất, tức là nghe nhạc thực sự chứ không phải “xem nhạc”. Ngày trước, đời sống khó khăn, người ta mơ ước có được cái ti-vi để xem, và có rồi thì phụ bạc cái radio. Nhưng rồi, cuộc sống xoay vần, radio lại lên ngôi khi người ta giàu hơn nữa, đi xe hơi và nghe nhạc khi đang lái xe. Rồi xã hội văn minh hơn, người dân đô thị đi xe bus nhiều hơn, và với đa số các sinh viên – học sinh Hà Nội ngày ngày đi xe bus, không gì làm họ thích thú hơn là ngồi (hay đứng chen chúc) trên xe được nghe một chương trình ca nhạc theo yêu cầu hay quà tặng âm nhạc. Đưa xe bus Hà Nội ra làm dẫn chứng bởi mức độ phát triển xe bus ở thành phố lớn nhất nước là Tp.HCM còn kém xa Hà Nội.
Bây giờ chúng ta sẽ cùng điểm qua những chương trình ca nhạc trên sóng phát thanh đang được nghe nhiều nhất hiện nay, những buổi phát sóng đã nâng cao vị thế của chiếc radio, những “radio show” đình đám và tác động đáng kể đến sự nóng lạnh của đời sống ca nhạc.
Kênh VOV3 của Đài Tiếng Nói Việt Nam – phát trên sóng FM 100MHz tại Hà Nội và 104,5MHz tại các tỉnh phía Nam – đang dẫn đầu “thị trường” ca nhạc radio với thời gian phát sóng 24/24h mà thời lượng “áp đảo” được dành cho ca nhạc (thời gian “phi ca nhạc” dành cho thời sự, đọc truyện, bản tin nhanh, quảng cáo…). Đây là nơi đang sản xuất những chương trình phát thanh có lượng thính giả đông đảo, nhất là giới trẻ, sinh viên – học sinh. Có thể kể:
– Quick & Snow Show: Được “cải tiến” từ chương trình “MTV theo yêu cầu”, hiện là “radio show” tương tác thu hút hàng vạn thính giả “cố định” mỗi buổi phát sóng, đó là tính theo só thư gửi về chương trình và số members tham gia diễn đàn về show này trên internet, thực tế còn cao hơn nhiều. Chương trình này thỏa mãn nhu cầu nghe nhạc quốc tế có chọn lọc và được dẫn giải cùng với những thông tin cập nhật về nhạc trẻ thế giới. Sức hút lớn nhất của chương trình nằm ở hai người dẫn là Ngọc Anh (Snow) và Hồng Quang (Quick)
– Asialink: Chương trình chuyên về âm nhạc châu Á, đặt trong bối cảnh chung nền công nghiệp giải trí của châu lục này đang phát triển vũ bão với sự nổi lên của Hàn Quốc bên cạnh những nền âm nhạc, điện ảnh hàng đầu châu lục như Ấn Độ, Trung Quốc (cả Hồng Kông), Nhật Bản… Chương trình kết hợp giới thiệu ca khúc của những nghệ sĩ châu Á nổi tiếng theo những chủ đề riêng, kết hợp phỏng vấn một ca sĩ nổi tiếng trong nước về chủ đề đó.
– Nhạc phim theo yêu cầu: Chương trình đầu tiên chuyên về nhạc phim trên sóng radio, thỏa mãn nhu cầu nghe ca khúc và nhạc nền phim của những người vừa yêu nhạc vừa mê phim. Trong thời điểm hiện tại, Nhạc phim theo yêu cầu đã làm các fan của phim Hàn Quốc, Trung Quốc toại nguyện với các ca khúc được cập nhật liên tục cùng với tốc độ phát sóng của phim trên truyền hình. Bên cạnh đó, những bài hát trong phim kinh điển vẫn được phát đều đặn.
Đài Tiếng nói Nhân dân Tp.HCM có “át chủ bài” là Top Ten Làn Sóng Xanh đã sắp được 10 tuổi. Dù chỉ phủ sóng ở Tp.HCM và một số tỉnh lân cận (FM 99.9 MHz), nhưng sức hút từ Làn Sóng Xanh lan tỏa ra cả nước, cũng bởi khả năng chi phối mạnh mẽ của nó đến sinh hoạt ca nhạc tại thị trường âm nhạc lớn nhất nước là Tp.HCM. Dù có bị phê bình thường xuyên về sự cũ kỹ thì Làn Sóng Xanh vẫn có vai trò quan trọng trong việc xác định diện mạo đời sống ca nhạc ở Sài Gòn, chỉ cần nhìn vào đó người ta biết ngay ca nhạc Sài Gòn nay đang ở “nấc” nào.
Sức hấp dẫn và sự lan tỏa của Làn Sóng Xanh đã khiến một số chương trình ca nhạc khác của Đài TNND Tp.HCM phải chịu lép, nhưng ngược lại, chính sự xuất hiện của chương trình này đã kéo thêm nhiều người nghe FM99,9 hơn cũng như cả những chương trình trên sóng AM của đài này. Cuộc chơi “Tuyển chọn giọng hát hay” kéo dài mấy năm nay đã tăng thêm vị thế của chiếc radio trong lòng người yêu nhạc.
Trên đây chỉ là một vài “góp nhặt” từ những chương trình phát thanh đang được nghe nhiều nhất hiện nay, chưa để đến vô vàn những “Quà tặng âm nhạc” từ các đài phát thanh địa phương đang dần đưa phát thanh trở lại thời hoàng kim, như thể chưa từng bị truyền hình lấn át. Dù sao, người ta không thể vừa lái xe vừa xem TV được. Và ở khia cạnh thưởng thức, một “radio show” với những dẫn giải truyền cảm, đôi khi có những tâm sự sẻ chia đầy xúc động vẫn hấp dẫn hơn nhiều những đĩa CD được “lập trình” một cách đơn điệu.
Trả lời